Món bánh này được ưa chuộng bởi hình dáng bánh lạ mắt, vỏ bánh giòn tan kết hợp nhân pate béo ngậy, thơm lừng. Mặt khác giá của một chiếc bánh mì que khá rẻ dao động từ 5000 – 10000 phù hợp với mọi đối tượng. Kết cấu đơn giản của chiếc bánh cũng là ưu điểm để các bạn học sinh, sinh viên chọn lựa làm bữa ăn sáng.
Nguồn gốc của bánh mì que
Bánh mì que còn có cái tên quen thuộc khác là bánh mì cay, đây là một loại bánh có nguồn gốc từ Pháp nhưng nguồn gốc nguyên thủy lại ở Torino của nước Ý. Nó xuất hiện lần đầu vào năm 1679 tại một cửa hàng ở vùng Đông Bắc Italy. Sau đó nó lan ra và được ưa chuộng tại cả châu Âu, châu Á,…Phiên âm tiếng Pháp của nó là ba- ghết, có nghĩa là chiếc đũa, cái que, ẩn dụ cho cái bánh mì dài như cái que.
Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, loại bánh mì này đã trở thành một trong những món ăn đặc sản của Hải Phòng. Nó xuất hiện ở hầu hết các đường phố và chiếm một thị phần lớn trong ngành ẩm thực Việt.
Đặc điểm của bánh mì que
Dù được du nhập từ nước ngoài, nhưng khi về đến Việt Nam loại bánh mì này cũng có phần được biến đổi nhằm phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt và của từng vùng miền. Cùng tìm hiểu một số đặc điểm của loại bánh mì này ngay sau đây:
Nguyên liệu làm bánh
Nguyên liệu để làm bánh cũng rất đơn giản, chỉ bao gồm bột mì, bột nở, muối. Tuy nhiên để làm ra được những chiếc bánh vừa đủ độ cứng vừa có độ mềm xốp thì đòi hỏi thợ làm bánh phải có kinh nghiệm lâu năm để biết trộn bột theo tỷ lệ nào cho phù hợp, bánh nướng đến độ nào cho vừa tầm để không bị cháy hay quắt lại.
Hình dáng bánh
Đúng như tên gọi của nó, loại bánh này có hình dáng thon dài giống như một cái que. Kích cỡ có nhiều loại, ở Việt Nam loại hay gặp nhất to khoảng 2 ngón tay, dài khoảng 25- 30cm tùy vào khuôn bánh. Kích thước bánh mì que nhỏ gọn, dễ cầm nhưng cũng đủ để ta thấy ấm bụng.
Pate – linh hồn của món bánh
Phần pate của bánh mì que đến từ những thứ nhân mà người ta cho là nghèo nàn nhất. Nó được chế biến từ gan, mỡ lợn thêm chút thịt nạc và muối tiêu cho vừa miệng. Mọi nguyên liệu phải thật tươi, khi sơ chế chúng được xay nhuyễn rồi hấp cách thủy. Một khối pate đạt chuẩn thì khi cắt ra phải có độ mềm, độ béo nhất định, ăn đậm đà và thơm mùi đặc trưng.
Pate cần làm gia công thì mới giữ được vị ngậy, người làm bánh phải chọn được mớ thịt ngon nhất và chế biến pate theo công thức của riêng mình. Thứ quyết định và tạo nên được sự đặc trưng của loại bánh mì này chính là thành phần gây cay. Vị cay cay của tiêu bắc, tương ớt kết hợp với hương thơm của hành tạo nên hương vị rất riêng của pate.
Vỏ bánh mì
Phần vỏ bánh giòn tan, bên trong không có quá nhiều phần bông giúp cho bánh mì có đủ khoảng trống để quét pate lên. Trước khi thưởng thức, bánh mì được đặt trên bếp than hoặc trong lò cho nóng và để pate thấm đẫm vào bánh mì làm nức mũi người ăn.
Vì sao bánh mì que lại hấp dẫn
Bánh mì cay đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người và dần trở nên phổ biến trên thị trường ẩm thực Việt. Vậy vì sao nó lại có sức hấp dẫn như vậy, có lẽ không phải ai cũng biết được lý do.
Nguyên liệu và cách nướng
Đây chính là điểm nổi bật nhất của bánh mì que. Ngoài những chiếc bánh thơm mùi bột mì mới ra lò thì hầu hết các hàng bánh đều tự tay chuẩn bị phần nguyên liệu chính là pate theo cách riêng của mình. Tùy vào độ khéo của đầu bếp để cho ra mẻ pate thơm lừng. Hành phi cũng tự phi và tương ớt cũng được tự làm từ ớt tươi để giữ trọn vị cay nồng.
Khác với hình ảnh những chiếc bánh mì đầy thịt, chả thì loại bánh mì này nhỏ, giòn tan, pate thơm ngậy mà không hề bị ngán. Ăn xong ổ thứ nhất lại muốn ăn liền ổ thứ hai mà không bị no hay ngấy.
Cách nướng loại bánh này cũng khác biệt khi bánh phải được nướng giòn, không được để quá lâu nếu không sẽ bị dai. Và khi đó dù pate có tuyệt hảo đến đâu thì chất lượng bánh mì cũng không còn trọn vẹn. Ngoài ra, một lớp bơ được đun chảy bên ngoài sau đó mới nướng giòn bánh mì cũng khiến cho vị bánh thơm lừng, khó cưỡng, nhất là khi đói bụng.
Thương hiệu
Không phải loại bánh mì nào cũng có thương hiệu như bánh mì que. Sự phổ biến của nó đã kích thích sự tò mò của thực khách, giúp nó được liệt kê vào danh sách những món ăn đường phố nổi tiếng, nhận được sự hưởng ứng của cả du khách trong và ngoài nước. Những chiếc bánh được bán trên thị trường cũng phải có sự giám sát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Giá cả hợp lý
Bạn chỉ cần bỏ ra 5000-10000 để mua một chiếc bánh mì que, một mức giá phù hợp so với các loại bánh mì khác. Những chiếc bánh hàng chục, hàng trăm nghìn có lẽ quá xa xỉ để trở thành bữa ăn sáng với học sinh, sinh viên. Mức giá 5000 là phù hợp cho cả người mua và người bán. Chi phí chúng ta bỏ ra là cho lò vi sóng, cho nguyên vật liệu, cho thương hiệu và giá trị của nó.
Ăn bánh mì cay có béo không
Ăn cái này cái kia có béo hay không luôn là vấn đề nan giải với hội chị em. Bạn yêu thích và thường xuyên ăn loại bánh mì này nhưng lại lo ngại liệu ăn nhiều có béo không thì hãy cùng tìm hiểu lượng calo có trong loại bánh này nhé.
Hàm lượng calo
Bánh mì que nhỏ hơn nhiều so với các loại bánh mì khác nên nhiều người nghĩ rằng lượng calo có trong chiếc bánh mì này rất thấp. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, trung bình một ổ bánh mì loại này sẽ chứa khoảng trên 180 calo. Sở dĩ lượng calo khá lớn như vậy là vì nó có chứa nhiều thành phần khác như pate hay rau củ, gia vị.
Ăn bánh mì loại này có béo không
Món bánh này thường được chọn làm bữa sáng bởi nhanh gọn, tiện lợi. Việc ăn bánh mì que có béo không thì phụ thuộc vào số lượng cũng như thời gian bạn ăn bánh. Nếu ăn vào buổi sáng từ 1 -3 cái thì bạn không cần sợ béo. Tuy nhiên nếu ăn nhiều vào buổi tối sẽ dẫn đến dư thừa calo và đồng nghĩa với đó là bạn sẽ tăng cân, ngoài ra nếu ăn với tần suất dày đặc thì cũng không hề tốt cho dạ dày của bạn nhé.
Lưu ý để ăn bánh mì cay không tăng cân
Trước hết bạn không nên ăn thường xuyên trong tuần, nếu không bổ sung các thực phẩm khác sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra nếu thường xuyên ăn bánh mì cay này sẽ làm tăng lượng đường huyết trong máu, tăng cholesterol,… với những người thừa cân, tiểu đường, cao huyết áp thì không nên ăn.
Bạn chỉ nên ăn 1-2 chiếc mỗi ngày và ăn kèm với rau củ, hoa quả để cân bằng dinh dưỡng. Không nên ăn thay cho các bữa chính và vào tối hay đêm muộn để tránh nạp quá nhiều calo dẫn đến tăng cân, béo phì.
Những thương hiệu bán bánh mì que ngon tại Sài Gòn
Đến với Sài Gòn thì ngoài những món ăn nổi tiếng như bánh tráng trộn hay hột vịt lộn thì bánh mì que cũng là một món nhất định bạn phải thử. Bởi bánh mì ở đây có hương vị riêng biệt thơm ngon theo cách rất đặc trưng. Nếu có dịp đến với mảnh đất này thì đừng bỏ qua những địa chỉ bán bánh mì cay ngon nhất này nhé:
Bánh mì que Hoàng Yến
Nếu bạn thích bánh mì cay nhưng không thích nhân pate thì đây là một địa chỉ tuyệt vời. Mỗi ổ bánh đều khá to với nhiều loại nhân như thịt, chả, chà bông thậm chí cả trái cây. Phần vỏ bánh giòn, đậm vị bơ, giá cả rất phải chăng phù hợp với học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng.
Bánh mì que Tứ Hải
Bánh mì ở đây mang hương vị của bánh mì cay truyền thống, đậm chất Hải Phòng. Bánh khá nhỏ nhưng phần nhân đầy đủ được phết một lớp pate thêm vài miếng lạp xưởng và các gia vị đặc trưng. Thương hiệu này đã có mặt tại mọi trung tâm thành phố Sài Gòn nên không khó để bạn có thể thử trải nghiệm.
Bánh mì que BMQ
Đây là một tiệm ăn với không gian rộng rãi, thoáng mát, phù hợp để tụ tập bạn bè. Bánh mì ở đây đã được nhiều blogger giới thiệu. Dù chỉ là một chiếc bánh nhỏ kèm chút nhân bên trong nhưng lại có một sức cuốn hút vô cùng mãnh liệt.
Để có được những mẻ bánh ngon, đạt chuẩn thì chính tay chị chủ quán BMQ đã kỳ công chuẩn bị nguyên liệu, vì thế bạn không cần phải lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của quán.
Bánh mì que Sài Gòn Tí Tẹo
Điểm đặc biệt của quán này là chỉ bán từ 14h30 và phục vụ một số lượng khách nhất định. Nhìn chung bánh mì ở quán này không có nhiều khác biệt so với những nơi khác. Phần vỏ bánh giòn tan quyện với pate thơm, đậm đà béo ngậy và cả vị cay của tương ớt khiến thực khách vừa ăn vừa hít hà tấm tắc khen ngon. Ngoài ra để món ăn đỡ ngán, quán còn phục vụ thêm một phần dưa leo, cà rốt giòn ngọt.
Bánh mì que Ông Cuông
Khi nhắc đến những nơi bán bánh mì que ngon nhất Sài Gòn mà không nhắc đến Ông Cuông thì chắc chắn đó là một thiếu sót. Quán này đã được mở từ rất lâu và ngon hơn rất nhiều so với các quán khác bởi chủ quán đã có hơn 60 năm kinh nghiệm. Bánh mì nóng giòn kết hợp với phần nhân thơm béo, chấm thêm chút tương ớt thì không còn gì bằng. Khách hàng của quán lúc nào cũng ra vào nườm nượp.
Kết luận
Bánh mì que đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực đường phố. Trong những năm gần đây nó ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi thương hiệu cũng như những nét đặc trưng rất riêng của nó. Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về loại bánh này, hi vọng bạn đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về món ăn quen thuộc này của các tín đồ ăn uống.