Ẩm thực Thái Lan không chỉ nổi tiếng bởi những món gỏi sống chua cay, mà còn biết đến với món lẩu Thái trứ danh đặc trưng. Món lẩu Thái này được bắt nguồn từ món súp chua cay tom yum, ngày nay được ưa chuộng sử dụng nhiều Việt Nam. Những ngày trời trở lạnh, một nồi lẩu chua cay liệu có làm bạn thích thú ?
Lẩu Thái là gì?
Lẩu Thái cũng là một món lẩu với các nguyên liệu ăn kèm không khác mấy các món lẩu thông thường khác. Tuy nhiên phần nước dùng với các gia vị như riềng, sả, lá chanh, cay nồng của ớt là nét đặc trưng của món lẩu này.
Món lẩu này là một món khá nổi tiếng ở Thái Lan, ngày nay được thịnh hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Nước dùng rất dễ ăn, và dễ kết hợp với rất nhiều loại nguyên liệu ăn kèm, nên lẩu Thái được rất nhiều bà nội trợ lựa chọn để chế biến tại nhà cho những bữa tối cuối tuần.
Sự kỳ công khi nấu lẩu Thái
Lẩu Thái được biết đến là biến thể nâng từ món súp chua cay tom yum và kết hợp cùng món lẩu Trung Quốc, do những người Hoa ở Thái Lan sử dụng, sau đó phát triển mạnh vì hương vị thơm ngon. Phần nguyên liệu của món súp tom yum nay bao gồm các thành phần thảo mộc xay nhuyễn cùng bột tomyum.
Vì thế sự kỳ công của món lẩu Thái nằm ở chỗ các nguyên liệu cho nồi nước dùng. Các gia vị cũng rất nhiều tạo nên sự hài hoà đặc trưng. Nước lẩu phải kết hợp giữa vị ngọt của xương, vị chua cay mặn ngọt của các loại gia vị.
Các loại thảo mộc phải được băm nhuyễn, kết hợp nhiều vị với nhau, sau đó phi thơm cùng dầu ăn, thêm nhiều gia vị nguyên liệu khác, sau đó với cho nước dùng ngọt thơm vào. Cùng sự nêm nếm gia vị vừa miệng, tất cả những điều đó mới đủ để tạo nên sự thơm ngon cho món lẩu.
Nguyên liệu khi nấu lẩu Thái
Điểm đặc trưng đầu tiên của nước lẩu Thái là phần nước dùng gồm các gia vị có tính cay nóng như gừng, riềng, sả, ớt, thêm lá chanh thơm lừng. Ngoài ra người ta còn biến tấu thêm cho nước lẩu Thái những loại nguyên liệu khác như cà chua, dứa gai, hành tây. Gia vị để nêm nếm thì đơn thuần như đường, hạt nêm, tiêu đen, nước mắm, nước cốt dừa, dầu ăn, sa tế.
Có thể nhúng với các loại hải sản như tôm cua, mực, ghẹ, thanh cua hay các loại cá như cá trắm giòn, cá lăng, cá hồi, cá diêu hồng. Các loại thịt khi kết hợp cũng khá vừa miệng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, hay váng đậu, đậu phụ, viên thả lẩu hoàn toàn có thể dùng được.
Các loại rau cho món lẩu Thái cũng không hề kén chọn. Nhưng đa số mọi người đều thích các loại rau như bắp chuối, rau muống, các loại rau cải, cải thảo, bắp cải. Đặc biệt khi sử dụng cùng các loại thịt hay lẩu chay, người ta ưa chuộng nhiều loại nấm ăn kèm.
Cách sơ chế nguyên liệu
Đối với các nguyên liệu như sả, gừng, riềng, ớt thì bạn làm sạch băm nhỏ. Phần sả có thể chẻ đôi để dài đều được. Các loại rau thì sơ chế nhặt sạch, cắt khúc vừa ăn. Các loại rau củ để tăng độ ngọt thì cũng chỉ cần rửa sạch, cắt khúc.
Đối những nguyên liệu tươi cho món lẩu Thái bạn có thể mua những loại người ta đã sơ chế sẵn hoặc về tự sơ chế. Đối với những loại hải sản như cua, ngao sò, tôm, mực thì bạn sơ chế làm sạch.
Các loại thịt còn sống, như thịt gà, vịt thì chặt miếng vừa ăn. Thịt bò, thịt lợn, tim… thì nên thái lát mỏng, như khi xào, thì nhúng mới dễ chín, không nên cắt khúc hay thái to, tránh việc nhúng lâu trong nước lẩu Thái miếng thịt mất vị ngọt.
Cách nấu lẩu Thái
Đầu tiên là chuẩn bị nước lẩu là khâu quan trọng nhất, và đa số các loại lẩu Thái đều có cách chuẩn bị nước lẩu đều gần giống nhau. Nước dùng được ninh từ xương lợn, xương gà, xương vịt, hoặc xương cá tuỳ điều kiện của bạn.
Tiếp đó các gia vị đã được sơ chế như gừng, sả, riềng, tỏi. Bạn đem phi cùng dầu ăn cho thật thơm, sau đó mới cho cà chua, dứa gai vào đảo đều, rồi đổ nước dùng vào. Phần nước dùng ninh khoảng một tiếng là có thể sử dụng cho món lẩu Thái.
Việc nêm nếm gia vị tuỳ sở thích gia đình, nét đặc trưng của lẩu Thái là vị cay, tuy nhiên tuỳ gia đình bạn mà có thể điều chỉnh độ cay tuỳ ý. Từ việc thêm các gia vị như ớt, tương ớt, sa tế, tiêu, gừng…. để tùy chỉnh.
Các loại lẩu Thái hiện nay
Lẩu Thái được rất nhiều người ưa thích bởi hương vị đặc trưng chua cay ấm nóng, đặc biệt là vào mùa đông hay những hôm trời mưa lạnh.
Lẩu Thái chua cay hải sản
Cách chế biến loại lẩu này, chính là món lẩu nó nét đặc trưng giống với món lẩu Thái truyền thống.
Nguyên liệu:
- Xương ống nấu nước dùng
- Các loại hải sản nhúng lẩu: tôm, cua, mực, ngao,…
- Nguyên liệu nước dùng: sả, riềng, ớt, lá chanh, cà chua, dứa gai,…
- Rau ăn kèm: nấm, bắp chuối, các loại rau tuỳ mùa như rau muống, rau cải, cải thảo, rau cần, đậu phụ, bún tươi hoặc mì tôm.
- Gia vị: đường, hạt nêm, tiêu đen, dầu ăn, sa tế, tương ớt.
Cách chế biến:
- Xương ống rửa sạch, đun sôi nước cùng một chút muối và gừng, rồi chần qua cho bớt mùi hôi. Sau đó đem đi đun ninh lấy nước trong vòng khoảng một tiếng.
- Sả, riềng, ớt băm nhỏ, phi thơm cùng dầu ăn, rồi cho cà chua, dứa gai vào xào qua. Cho vào nước hầm xương, khi sôi cho lá chanh tươi vào, vậy là đã có nước lẩu Thái thơm ngon.
- Các loại hải sản khi chuẩn bị xong nước dùng mới nên sơ chế, để tránh nước khi rửa vào làm hải sản bị ươn. Hoặc sơ chế trước thì bạn nên bỏ vào tủ lạnh cho giữ được độ tươi ngon.
- Các loại rau cũng tương tự, nhặt bỏ cọng già, cắt vừa ăn. Riêng bắp chuối thì thái mỏng, ngâm nước muối, sau đó rửa sạch cho đỡ chát.
- Gia vị nêm nếm vừa miệng, tăng độ cay tuỳ ý, có thể thêm tương ớt, sa tế cũng rất hợp vị, tuy nhiên cần cân nhắc về độ cay cho phù hợp với nhu cầu
Lẩu Thái cùng các loại thịt
Mặc dù vị chua cay rất thích hợp với các món hải sản, nhưng nếu bạn không phải là một tín đồ của các loại tôm cua mực, thì hoàn toàn có thể dùng nước lẩu Thái để ăn cùng các loại thịt, đều rất ngon. Nước lẩu chua cay sẽ tạo cảm giác mới lạ so với việc các món lẩu ngọt dịu khác.
Nguyên liệu:
- Xương ống nấu nước dùng
- Các gia vị nhúng: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, các loại viên thả lẩu, tim
- Các loại rau nhúng: cải thảo, bắp cải, rau mồng tơi, rau muống, rau cải…
- Các loại nấm: nấm hương, nấm kim châm hay nấm đùi gà
- Sả, riềng, ớt, lá chanh, cà chua để nấu nước dùng
- Gia vị khác: đường, dầu ăn, tiêu đen, nước cốt dừa
- Bún tươi, hoặc mì tôm, đậu phụ ăn kèm
Cách làm:
- Xương ống cũng được đun lấy nước dùng trong khoảng 1 tiếng.
- Các loại nấm và rau được sơ chế sạch sẽ
- Các loại thịt rửa sạch, thái vừa ăn. Các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, tim, nên thái mỏng nhúng cho nhanh chín. Đối với thịt gà, thịt vịt bạn có thể chặt miếng, và bỏ trước vào nồi nước dùng một ít để ninh cho được ngọt hơn.
- Xào chín cà chua, sả riềng chanh ớt, sau đó cho nước dùng vào, nêm nếm gia vị, cùng nước cốt dừa vào. Là bạn đã có nước lẩu Thái thơm ngon béo ngậy chua ngọt cho món lẩu rồi.
Lẩu Thái với các món cá
Nước lẩu Thái thật sự rất phù hợp cho các món hải sản, ngay cả các món cá cũng rất ngon khi ăn cùng. Những nguyên liệu cay nóng trong món lẩu này khiến mùi tanh của cá được át đi rất nhiều.
Nguyên liệu:
- Cá tuỳ loại: cá diêu hồng, cá trắm giòn, cá lăng, cá hồi..
- Các loại rau ăn kèm: bắp chuối, cải thảo, rau muống, rau cải, nấm kim châm…
- Các loại như sả , riềng, ớt, lá chanh, cà chua, dứa gai
- Gia vị khác: dầu ăn, đường, tiêu đen…
- Bún tươi hoặc mì tôm, đậu phụ ăn kèm
Cách làm:
- Cá sau khi mua về, làm sạch, lọc phần thịt riêng, xương riêng. Đối với những loại cá có nhiều xương bạn có thể luộc phần xương cá cùng với một ít gừng, lá chè xanh tươi. Sau đó chắt lấy phần nước để đổ vào nước dùng, hoặc ninh trực tiếp.
- Phần thịt cá thì chà xát một ít muối tinh, rượu trắng hoặc gừng cho đỡ mùi tanh. Sau đó thái lát mỏng vừa ăn phù hợp để nhúng.
- Phần nguyên liệu sả riềng, ớt, cà chua, dứa thì xào chính sau đó cho phần nước dùng từ xương cá vào đun lên. Nêm nếm gia vị vừa đủ là có thể dùng món lẩu Thái cá rồi
Lẩu Thái chay ăn cùng các loại nấm
Ngày nay các món chay cũng được nhiều người lựa chọn, vì thế món lẩu Thái chay cũng trở nên được yêu thích với những tín đồ không thích ăn mặn. Với điểm đặc trưng là vị ngọt, chất béo, chất đạm được lấy chủ yếu từ các loại nấm.
Nguyên liệu:
- Các loại nấm: nấm kim châm, nấm hương, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm hải sản.
- Các gia vị nấu nước dùng: sả, ớt, riềng, lá chanh, cà chua, dứa gai, hành tây, cà rốt, ngô ngọt.
- Các loại rau ăn kèm: bắp chuối, cải thảo, rau muống, rau cải….
- Các loại gia vị khác: dầu ăn, đường, tiêu đen
- Bún tươi hoặc mì tôm, đậu phụ ăn kèm
Cách làm:
- Đầu tiên phi thơm hành, sả, riềng, ớt, rồi xào cà chua, dứa gai rồi đổ nước lọc vào, gia vị nêm nếm vừa miệng. Hành tây cắt miếng to, cà rốt và ngô ngọt cắt khúc, nấm hương ngâm nước, cắt rửa sạch sẽ bỏ vào. Nước dùng của món lẩu Thái sẽ được lấy vị ngọt từ những nguyên liệu rau củ chay.
- Điểm đặc trưng của món lẩu Thái này là các món nấm, gia vị chay thanh ngọt. Các loại rau xanh được sơ chế sạch sẽ. Cùng nước dùng chua cay nhưng thanh ngọt, là bạn đã có một bữa lẩu thơm ngon rồi.
Kết bài
Lẩu Thái là món ăn dễ chế biến, được ưa chuộng sử dụng nhiều vào những thời điểm thời tiết se lạnh. Không chỉ ở những nhà hàng mà món ăn này còn được thấy nhiều ở các gia đình Việt Nam. Những bữa lẩu ấm nóng quây quần bên nhau, nước lẩu chua cay xuýt xoa cùng món nhúng giàu dinh dưỡng, ăn kèm chút bún quả là lựa chọn tuyệt vời cho những dịp cuối tuần.